Cô giáo cắm bản hết lòng vì học sinh thân yêu
“Là giáo viên cắm bản, lại ở bản xa xôi nhất, cao nhất huyện Bình Liêu suốt nhiều năm, cô Lan đã từng dành tiền lương chỉ gần 3 triệu đồng để mua quần áo ấm cho các em học sinh, giúp các em chống chọi với cái rét cắt da cắt thịt ở Cao Sơn (xã Hoành Mô). Cô thương trò như con, dành tất cả mọi sự quan tâm chăm sóc của mình cho trẻ em vùng cao. Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là làm theo những điều thiết thực như cô Lan vậy”.
Cô giáo Lô Thị Lan tận tình chăm lo cho bữa ăn của các cháu học sinh.
Cô giáo Lô Thị Lan tận tình chăm lo cho bữa ăn của các cháu học sinh.
Lời giới thiệu ấy của chị Đào Ngọc Anh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bình Liêu, thôi thúc tôi tìm gặp cô giáo Lô Thị Lan (SN 1982), giáo viên Trường Mẫu giáo Lục Hồn, xã Lục Hồn. Năm 2010, cô Lan tình nguyện xung phong tới điểm trường Cao Sơn, thuộc Trường Mầm non xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu. Đây là một trong những điểm trường khó khăn nhất huyện. Suốt gần 3 năm, cứ đầu tuần, cô Lan đi xe máy gần 20 cây số từ nhà (thôn Pắc Liềng I, xã Tình Húc) đến điểm trường Loòng Vài thuộc Trường Mầm non xã Hoành Mô). Từ Loòng Vài, quãng đường vào đến bản, đến điểm trường Cao Sơn là 5 cây số đường rừng. Nắng ráo còn đỡ, những ngày mưa, con đường đến trường của cô Lan khó khăn không sao tả xiết. Ngày cô mới đến điểm trường, trẻ em ở đây 100% chưa biết nói tiếng Việt, các em chỉ bập bẹ tiếng Dao, nhút nhát, không chịu giao tiếp. Đời sống sinh hoạt ở đây vô cùng khó khăn. Điều mà cô giáo Lan luôn trăn trở khi về đây là làm sao để vận động được 100% trẻ em trong độ tuổi ở bản Cao Sơn ra lớp. Nhờ thông thạo tiếng Dao, cùng lòng nhiệt huyết, tận tâm của mình, cô Lan đã đi đến từng hộ gia đình ở bản để vận động, tuyên truyền phụ huynh đưa trẻ đến trường. Những chuyến vượt suối, băng rừng, tới từng hộ dân trong bản, có những hộ ở cách nhau tới 5, 7 cây số… đến giờ này cô Lan vẫn không thể nào quên được.
Cô Lan chia sẻ: “Ngày tôi lên, Cao Sơn còn chưa có trường. Vừa mới đến, tôi đã vận động Trưởng bản cấp đất xây trường. Từ cái nhà kho lụp xụp, lem nhem, tôi đã tự mình dọn dẹp, sửa sang và trang trí lại thành một lớp học tạm nhưng sạch sẽ. Vì cái ăn còn thiếu chứ nói gì đến cơ sở vật chất cho các cháu học, chơi, tự tay tôi đã làm đồ dùng học tập, làm đồ chơi để lớp học sinh động, tạo hứng thú cho các cháu đến trường đều đặn. Đến Cao Sơn ngày ấy, nhìn thấy các cháu thiệt thòi về mọi mặt, tôi rất thương các cháu và chăm sóc, dạy dỗ các cháu từng lời ăn, tiếng nói, từng bữa ăn, giấc ngủ như chăm chính con đẻ của mình”... Ngày ấy, chưa kể Cao Sơn là điểm trường thuộc loại cao xa nhất, khó khăn nhất, việc vận động được 100% trẻ trong độ tuổi ra lớp như cô Lan đã làm được là một kỳ tích.
Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của cô Lan, đến tháng 9-2011, lớp Mẫu giáo Cao Sơn đã được xây dựng khang trang, đạt chuẩn của chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Từ ngày ấy, cô Lan vận động gia đình cho các cháu học bán trú tại trường. Cô chăm lo từng giờ học, từng bữa ăn đủ dinh dưỡng, từng giấc ngủ ngoan cho các cháu học sinh. Cô còn dùng thẻ bảo hiểm y tế của mình xin cấp thuốc bổ cho các cháu, cho người già trên bản. Năm 2013, cô tự mình bỏ tiền lương gần 3 triệu đồng mua 14 bộ quần áo ấm và tất, găng tay cho các cháu học sinh, giúp các cháu vượt qua mùa đông khắc nghiệt ở vùng núi cao. Đến năm 2014, cô lại tiếp tục tặng 20 bộ quần áo ấm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Cao Sơn, Ngàn Pạt. Cô Lan còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện của xã, huyện và ngành giáo dục… Chính từ cái tâm với nghề, từ tình yêu thương vô điều kiện cô dành cho các em nhỏ, cho người dân trong bản Cao Sơn ngày ấy, nên đến thời điểm này, khi nhắc đến cô giáo Lô Thị Lan, không ai là không yêu quý, dành cho cô những lời tốt đẹp, chân tình nhất.
Ngày còn là giáo viên cắm bản ở Cao Sơn, cô Lan cũng vì những khó khăn, cách trở về địa lý, điều kiện khó khăn trong sinh hoạt và đặc biệt là tấm lòng nhiệt thành yêu thương các em nhỏ mà chưa nghĩ đến hạnh phúc riêng của bản thân. Nhưng thật hạnh phúc vì giờ đây, khi đã có gia đình riêng, cô đang chuẩn bị có con đầu lòng và được tạo điều kiện về giảng dạy tại Trường Mẫu giáo Lục Hồn. Ở đây, trường lớp khang trang, điều kiện sinh hoạt, học tập của các cháu đủ đầy hơn. Đến thăm cô Lan, nhìn từng cử chỉ quan tâm, chăm lo của cô dành cho các cháu nhỏ, nhìn ánh mắt chứa đầy tình yêu thương của cô với trẻ, không khó để cảm nhận cái đẹp của câu hát: “Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi. Có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương. Có những bài ca nghe rạo rực lòng người. Bài ca ấy, loài hoa ấy, đẹp như em - người giáo viên nhân dân”...
Theo baoquangninh.com - nguồn internet.